Theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định    về quản lý và tổ chức lễ hội và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo 

Câu 1. Lễ hội truyền thống là gì?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì: Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Câu 2. Thế nào là Lễ hội văn hóa ?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì: Lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc; tiềm năng du lịch về đất nước, con người Việt Nam.

Câu 3. Lễ hội ngành nghề được hiểu như thế nào ?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì: Lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề.

Câu 4. Pháp luật quy định thế nào là Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội quy định: Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam.

Câu 5. Nhà nước có những chính sách nào về lễ hội?

Trả lời:

Theo Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì Nhà nước có các Chính sách về lễ hội gồm:

- Hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.

- Khuyến khích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý hoạt động lễ hội.

- Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động lễ hội.

Câu 6. Nguyên tắc tổ chức l hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 5 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Chính sách của về quản lý và tổ chức lễ hội quy định những nguyên tắc tổ chức lễ hội như sau:

- Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

- Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.

- Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

- Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.

- Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

- Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.

- Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Câu 7. Quyền của người tham gia lễ hội được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội quy định người tham gia lễ hội có các quyền sau:

- Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;

- Thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;

- Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.

Câu 8. Trách nhiệm của người tham gia lễ hội được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau:

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;

- Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;

- Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;

- Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định nêu trên còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Câu 9. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị khi tổ chức lễ hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội quy định cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm sau:

- Thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

- Thành lập, phê duyệt quy chế làm việc của Ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban tổ chức lễ hội;

- Chịu trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

- Báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo chậm nhất 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.

Câu 10. Trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hi được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội thì Ban tổ chức lễ hội có các trách nhiệm sau:

- Ban hành, phổ biến quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;

- Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội;

- Xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

- Quy định khu vực vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ, bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; treo, đặt bảng phổ biến nội dung, biển hướng dẫn ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc tiếp nhận thông tin của người tham gia lễ hội;

- Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không bày bán động vật quý hiếm, các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật;

- Không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Câu 11. Pháp luật quy định khi nào thì phải tạm ngừng tổ chức lễ hội?

Trả lời:

- Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp sau đây:

+ Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội;

+ Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người;

+ Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương;

+ Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.

- Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP thì Ban tổ chức lễ hội tự ngừng hoặc ngừng ngay các hoạt động tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức lễ hội trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Câu 12. Trước khi tổ chức lễ hội thì những lễ hội nào phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì lễ hội phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức gồm:  

- Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề do cơ quan trung ương tổ chức (gọi là lễ hội cấp quốc gia) được tổ chức lần đầu.

- Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có từ 02 tỉnh trở lên tham gia tổ chức (gọi là lễ hội cấp khu vực) được tổ chức lần đầu.

- Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.

Câu 13. Trước khi tổ chức lễ hội thì những lễ hội nào phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi tổ chức gồm:

- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên;

- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (gọi là lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.

Câu 14. Trước khi tổ chức lễ hội thì những lễ hội nào phải đăng ký với với Ủy ban nhân dân cấp huyện?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thì lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi tổ chức gồm:

- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp huyện được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.

- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (gọi là lễ hội cấp huyện) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.

- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.

- Lễ hội truyền thống cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống.

Câu 15. Pháp luật quy định hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội gồm những giấy tờ gì?

Trả lời:

Theo Điều 10 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội bao gồm:

- Văn bản đăng ký nêu rõ tên lễ hội, sự cần thiết, thời gian, địa điểm, quy mô, nội dung hoạt động lễ hội, dự kiến thành phần số lượng khách mời.

- Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

- Dự kiến thành phần Ban tổ chức lễ hội.

- Các tài liệu hoặc văn bản chứng minh về nguồn gốc lễ hội (đối với lễ hội truyền thống).

- Văn bản đồng ý tổ chức lễ hội tại Việt Nam của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự hoặc Tổng Lãnh sự quốc gia, vùng lãnh thổ và văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao (đối với lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài).

Câu 16. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 11 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được thực hiện như sau:

- Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định nội dung sau:

+ Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;

+ Các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ lễ hội;

+ Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;

- Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung liên quan đến các bộ, ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức hoạt động lễ hội.

- Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực hiện lại trình tự đăng ký theo quy định.

Câu 17. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 12 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh được thực hiện như sau:

- Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định nội dung sau:

+ Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;

+ Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;

+ Tính xác thực của tài liệu hoặc văn bản chứng minh; nội dung thực hành nghi lễ truyền thống (đối với lễ hội truyền thống).

- Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung liên quan đến các bộ, ngành trung ương hoặc các cơ quan, đơn vị ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức hoạt động lễ hội.

- Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực hiện lại trình tự đăng ký theo quy định.

Câu 18. Thông báo tổ chức lễ hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 14 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp quốc gia hoặc cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức hàng năm phải thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức lễ hội.

Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm phải thông báo với Ủy ban nhân dân cùng cấp trước khi tổ chức lễ hội.

Câu 19. Nội dung văn bản thông báo tổ chức lễ hội gồmg những thông tin gì?

Trả lời:

Theo Điều 15 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định nội dung văn bản thông báo tổ chức lễ hội gồm:

- Tên lễ hội, sự cần thiết về việc tổ chức lễ hội;

- Thời gian, địa điểm, quy mô và các hoạt động của lễ hội;

- Dự kiến thành phần, số lượng khách mời;

- Dự kiến thành phần Ban tổ chức lễ hội;

- Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

Câu 20. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội thì trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được thực hiện như sau:

- Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

- Sau khi nhận được văn bản không đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị tổ chức lễ hội phải tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của hoạt động lễ hội.

Câu 21. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp tỉnh được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội thì trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội cấp tỉnh được thực hiện như sau:

- Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày;

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Sau khi nhận được văn bản không đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị tổ chức lễ hội phải tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của hoạt động lễ hội.

Câu 22. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện, cấp xã được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 17 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định:

1. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội có cấp huyện được thực hiện như sau:

- Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội cấp xã được thực hiện như sau:

- Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền, có các nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội;

- Bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển;

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương trong việc phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;

- Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương;

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội theo thẩm quyền;

- Báo cáo định kỳ việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Câu 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn; tiếp nhận nội dung đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện hoặc cấp xã; kiểm kê, phân loại lễ hội và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương.

Câu 25. Những hành vi nào vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;

- Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;

- Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Câu 26. Hành vi nào vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

- Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.

Câu 27. Hành vi nào vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định;

- Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội;

- Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích;

- Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác;

- Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tham gia lễ hội.

Trường hợp có hành vi vi phạm bán vé, thu tiền tham dự lễ hội thì phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi gây ra.

Câu 28. Hành vi nào vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;

- Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

Trường hợp có hành vi vi phạm lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi thì phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi gây ra.

Câu 29. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội nào thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 5 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam;

- Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.

Trường hợp có hành vi vi phạm ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội thì phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi gây ra.

Câu 30. Hành vi nào vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 6 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo;

- Tổ chức lễ hội không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Câu 31. Hành vi nào vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng?

Trả lời:

Theo khoản 7 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;

- Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;

- Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Trường hợp có hành vi vi phạm không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi gây ra.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
 Liên kết website
 Bình chọn
Thống kê: 136.882
Online: 1