BÀI TUYÊN TRUYỀN

Hàng thừa kế thứ nhất là gì? Gồm những ai?

 

Ngoài nhận di sản của người chết thông qua hình thức di chúc thì người thừa kế có thể nhận di sản theo pháp luật. Khi đó, người thừa kế sẽ được xếp theo ba hàng thừa kế. Vậy hàng thừa kế thứ nhất là gì?

Khi nào di sản được chia theo pháp luật?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (theo Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Như vậy, không giống với việc chia thừa kế theo di chúc, phân chia di sản thừa kế theo pháp luật không thực hiện theo ý chí của người để lại di sản.

Đồng thời, không phải mọi trường hợp di sản đều được chia theo pháp luật mà chỉ trong các trường hợp nêu tại Điều 650 Bộ luật này mới được áp dụng:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, chỉ những trường hợp nêu trên, di sản mới được chia theo pháp luật. Còn lại, nếu người để lại di sản có di chúc thì sẽ ưu tiên chia theo di chúc của người đó.

Hàng thừa kế thứ nhất là gì? Gồm những ai?

Quy định cụ thể về các hàng thừa kế được nêu cụ thể tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, gồm:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết

Cụ thể:

1. Giữa vợ, chồng với nhau

Quan hệ vợ, chồng là một trong những quan hệ gần gũi và thân thiết nhất của nam, nữ. Do đó, xét về mặt tình cảm, vợ, chồng là một tỏng những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nhau là hoàn toàn hợp lý.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi vợ hoặc chồng chết thì người còn sống sẽ được quản lý tài sản chung của chồng hoặc vợ trừ trường hợp di chúc hoặc những người thừa kế có quy định khác.

Khi có yêu cầu chia di sản thì phần tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi trừ khi có thỏa thuận khác.

Bởi vậy, xét về mặt tình cảm hay về mặt pháp lý, hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, theo Điều 655 Bộ luật Dân sự, cần lưu ý các trường hợp đặc biệt khi nhận thừa kế của vợ, chồng gồm:

- Vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó có một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế.

- Vợ, chồng xin ly hôn nhưng chưa được Tòa án công nhận bằng một bản án hoặc quyết định hoặc bản án, quyết định chưa có hiệu lực thì nếu một người chết người còn lại vẫn được thừa kế.

- Người đang là vợ, chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì sau này khi chia di sản thừa kế, người này vẫn được hưởng thừa kế.

2. Giữa cha đẻ, mẹ đẻ với người chết

Ngoài quan hệ vợ, chồng thì quan hệ ruột thịt giữa cha, mẹ đẻ với người đã chết cũng là một trong những mối quan hệ gần gũi nhất của một người. Do đó, cha, mẹ đẻ cũng là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết.

3. Giữa cha nuôi, mẹ nuôi với người chết

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái.

Do đó, nếu việc nhận con nuôi là hợp pháp thì cha nuôi, mẹ nuôi cũng có quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ tương đương với cha đẻ, mẹ đẻ.

Không chỉ vậy, theo Điều 653 Bộ luật Dân sự, con nuôi và cha mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau.

Do đó, cha, mẹ nuôi là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết.

4. Giữa con đẻ, con nuôi với người chết

Như phân tích ở trên, không chỉ cha, mẹ nuôi với con nuôi mà con nuôi với cha, mẹ nuôi cũng được thừa kế di sản của nhau theo Điều 653 Bộ luật Dân sự nêu trên.

Từ các phân tích trên có thể thấy, pháp luật quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết căn cứ vào quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng của những đối tượng này.

Đặc biệt: Những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về hàng thừa kế thứ nhất là gì? 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 136.927
    Online: 2