Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động".

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Bài viết mang những giá trị lý luận và thực tiễn bền vững, là nền tảng để Việt Nam vững bước con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đề cập đến tính tất yếu về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã đề cập CNXH với tư cách là “Chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”. Trên cơ sở đặt ra và “tập trung vào trả lời mấy câu hỏi”, nhất là “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”, Tổng Bí thư đã làm rõ tính tất yếu, khách quan của ĐLDT gắn liền với CNXH ở Việt Nam.

Từ khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị đã thừa cơ xuyên tạc, chống phá, quy kết cho rằng Việt Nam đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Câu trả lời dứt khoát của chúng ta là: với Việt Nam, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn”. Đó là sự lựa chọn có căn cứ khoa học, do lịch sử quy định và được kiểm nghiệm bằng thực tiễn.

Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Ảnh: Nguyễn Chắt.

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, độc lập dân tộc (ĐLDT) là cái đích trực tiếp của công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhưng, thực tiễn lịch sử đã chứng minh giải quyết vấn đề ĐLDT theo ý thức hệ phong kiến hay tư sản, cách mạng Việt Nam đều rơi vào bế tắc, thất bại.

Ra đi tìm đường cứu nước, từ một người yêu nước nồng nhiệt, Nguyễn Tất Thành đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy con đường cách mạng vô sản. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH, nhằm đi tới mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của sự lựa chọn này, trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

ĐLDT gắn liền với CNXH “là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh”; trở thành đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; là tiền đồ, tương lai của dân tộc.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta (Ảnh baochinhphu).

Kiên định mục tiêu, lý tưởng đã chọn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, vĩ đại: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước đi lên xây dựng CNXH; tiến hành công cuộc đổi mới.

Sự kiện Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ có đặt ra thách thức lớn đối với CNXH nói chung và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói riêng. Trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Quyết tâm đó được hiện thực hóa bằng “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Chúng ta không phủ nhận CNTB có vai trò lớn đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Nhưng, CNTB không phải là tương lai của nhân loại. Bởi, những ung nhọt không thể chữa khỏi của xã hội TBCN, mà tất yếu CNTB sẽ được thay thế bởi CNXH.

Xã hội trong tương lai mà chúng ta hướng tới: “sự phát triển là thực sự vì con người”, “phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”, “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”, “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”… Đây chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn cho đến nay đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Nhất là hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Do vậy, xây dựng CNXH trở thành “một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã bàn và quyết nghị về công tác xây dựng Đảng (Ảnh: Phạm Cường/Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Để hoàn thành sự nghiệp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng”, đồng thời, “phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân… Sức mạnh Nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”; “phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Và đặc biệt, phải “luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”; “Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Kết thúc bài viết, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Xây dựng CNXH trong thời kỳ đổi mới càng đòi hỏi tính sáng tạo. Nhưng, kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH là bất biến. Bởi CNXH không chỉ mang lại độc lập cho dân tộc, mà còn là con đường duy nhất đúng đắn để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 Theo BHT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 134.966
    Online: 3