Nắm bắt thời cơ, huy động tổng lực, đưa Hà Tĩnh bứt phá trên chặng đường mới

Hà Tĩnh bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh hết sức khó khăn. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh những tháng đầu năm; tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine làm giá nguyên liệu, hàng hóa tăng; dịch bệnh, thời tiết diễn biến khó lường… Mặc dù vậy, chúng ta có thuận lợi lớn khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ với tinh thần đoàn kết và khát vọng mới được lan tỏa từ hệ thống chính trị các cấp cho đến mỗi người dân, từ đó tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, quyết tâm để tạo nên kết quả tích cực trong phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cắt băng khánh thành Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (ngày 31/8/2022). Ảnh: Dương Chiến

Kết quả đáng mừng đó là trong bối cảnh sản lượng điện sản xuất và thép - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh nhà giảm mạnh do những tác động khách quan nhưng lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn tạo động lực tăng trưởng mới. Nhà máy sản xuất Pin VinES tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đưa vào vận hành chạy thử, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 được đẩy nhanh tiến độ thi công với giá trị giải ngân cả năm đạt hơn 8.600 tỷ đồng, dự án Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion với tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng đã tiến hành lễ động thổ. Sau 3 năm xây dựng, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh có tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng cũng đã xuất xưởng những mẻ bia đầu tiên; dự kiến, nhà máy sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Lễ động thổ khởi công dự án Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion tại Khu kinh tế Vũng Áng (ngày 18/11/2022). Ảnh: Đình Nhất

Vượt qua các yếu tố khó khăn, trở ngại của điều kiện thời tiết, sản xuất nông nghiệp về đích năm 2022 với nhiều kết quả khá. Sản lượng lương thực, các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát. Đặc biệt, Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh “về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” đi vào cuộc sống, thúc đẩy chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm được triển khai ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh bước đầu đã mang lại những sản phẩm cụ thể.

Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025” được lãnh đạo, chỉ đạo với sự tập trung cao và tinh thần sáng tạo, linh hoạt. Đặc biệt, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị hỗ trợ, đỡ đầu các thôn tại 4 xã khó khăn thuộc huyện Hương Khê. Với sự đồng thuận cao, trên khắp các làng quê, phong trào hiến đất mở đường, xây dựng vườn mẫu, thiết chế văn hóa… diễn ra sôi nổi. Đến nay, toàn tỉnh có 9/13 huyện, thị, thành phố đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 177/181 xã đạt chuẩn NTM, 50/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà năm qua đó là hoạt động du lịch, thương mại - dịch vụ khởi sắc, doanh thu từng lĩnh vực đều tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động của cộng đồng DN được phục hồi và có bước phát triển mới; số lượng DN thành lập mới trong năm 2022 đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 1.300 DN.

Các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế có bước phát triển đáng mừng cùng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan tài chính đã mang lại kết quả nổi bật trong thu ngân sách tỉnh nhà năm 2022 với con số ấn tượng hơn 18.000 tỷ đồng.

Năm 2022 ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành đối với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Nhiều giải pháp quyết liệt, sâu sát đã được thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo thuận lợi cho các dự án đang triển khai. Trong năm, có 18 dự án được chấp thuận đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã kết nối, xúc tiến dự án đầu tư với các DN, tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, Ecopark, VSIP, Quế Lâm... đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ và tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư tại một số tỉnh phía Bắc. Tập trung cao cho GPMB các dự án giao thông trọng điểm, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh đạt kết quả GPMB cao so với tiến độ bình quân của các tỉnh có tuyến đường đi qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tặng quà lưu niệm cho ngài Jaya Ratnam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam nhân dịp đoàn có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về lĩnh vực đầu tư và các hoạt động hợp tác (ngày 6/12/2022). Ảnh: Ngọc Loan

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chỉ đạo đồng bộ với nhiều chính sách được ban hành và đạt kết quả khá toàn diện. Các giá trị văn hóa tiếp tục được bảo tồn, phát huy, đặc biệt, vào dịp cuối năm 2022, chúng ta đón tin vui khi Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực ở các cấp học, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao khi Hà Tĩnh xếp thứ 5 toàn quốc trong Kỳ thi học sinh giỏi năm học 2021-2022; lần đầu tiên tỉnh có học sinh giành được huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế.

Công tác hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh, an sinh xã hội, chăm lo cho sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch COVID-19 được quan tâm thực hiện kịp thời, đặc biệt, việc xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi vào đại học, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ và nhà ở cho người dân mang lại hiệu quả cao… Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 4,68% giảm còn 3,79%; hộ cận nghèo từ 5,09% giảm còn 4,05%.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại lễ khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình xây dựng hạ tầng và nhà ở cho 24 hộ vạn chài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ). Ảnh: Dương Chiến

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững, ổn định. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường.

Những kết quả đạt được là tấm gương phản chiếu sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và sự chung tay của toàn dân. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành chương trình kèm theo khung nhiệm vụ triển khai kế hoạch năm 2022, xác định 9 nhóm nội dung cần tập trung chỉ đạo và 75 nhiệm vụ cụ thể. Công tác chỉ đạo điều hành đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các nghị quyết của BCH, BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để chủ động, linh hoạt, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện, phù hợp với diễn biến tình hình và các vấn đề phát sinh.

Dấu ấn đặc biệt quan trọng và là niềm vui lớn đối với cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà, đó là vào ngày 8/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là “kim chỉ nam” phát triển của Hà Tĩnh trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, tạo ra sự kết nối thống nhất trong chiến lược - quy hoạch - kế hoạch; là cơ sở để chúng ta triển khai các định hướng lớn, tạo đột phá phát triển, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư.

Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Quy hoạch xác định rõ mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Kết thúc năm 2022, dẫu còn những chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, nhưng nhìn chung, kết quả trên các lĩnh vực cơ bản ổn định, đời sống người dân được đảm bảo, hình ảnh về văn hóa, con người Hà Tĩnh được lan tỏa và tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Dự báo tình hình có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng khó khăn sẽ nhiều hơn, dẫn đến khó dự báo và xây dựng một kịch bản tăng trưởng khả thi nhất, kể cả ở cấp quốc gia và các địa phương. Tuy vậy, với mục tiêu dồn sức tăng tốc và bứt phá, tinh thần xây dựng kế hoạch năm 2023 chúng ta cần phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt trên 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt khoảng 45-50 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 19.000 tỷ đồng.

Quyết tâm cao và đặt niềm tin, kỳ vọng lớn trong năm giữa nhiệm kỳ, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai những định hướng, chiến lược về phát triển KT-XH theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện, chia vui với người dân khu tái định cư xã Kỳ Lợi trong chuyến đi kiểm tra hạ tầng khu tái định cư xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh). Ảnh: Thu Hà

Bối cảnh nhiều biến động đòi hỏi chúng ta phải nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; đồng thời linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm, sự tâm huyết, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, sâu sát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phục hồi và phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

Một góc thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Cùng với cả nước đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Hà Tĩnh có thuận lợi lớn là quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt và triển khai. Đây là cơ sở để thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác. Theo đó, trước mắt tập trung vào quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng, quy hoạch mở rộng không gian TP Hà Tĩnh, quy hoạch các dự án trọng điểm, các trục giao thông chiến lược. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị nhìn nhận rõ tiềm năng, thế mạnh, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, trong đó tập trung vào các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược; tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng. Để tạo động lực tăng trưởng cho các lĩnh vực kinh tế, tỉnh ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông; chú trọng quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường. Cùng đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi thông, huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh (ảnh 1). Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh phát triển thị trường nội địa để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ (ảnh 2). Dự án nhà máy sản xuất pin thứ 2 của Tập đoàn Vingroup được triển khai thi công (ảnh 3). Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn công nghệ cao của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viết Hải đã chạy thử dây chuyền sản xuất, dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2023 (ảnh 4).

Nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương đang được xây dựng, triển khai. Trong đó, ưu tiên phục hồi, phát triển công nghiệp. Đầu năm 2023, UBND tỉnh sẽ ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tập trung cao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới. Lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế tỉnh nhà sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 khi Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành khắc phục sự cố, Nhà máy Pin VinES đi vào vận hành và sản xuất theo kế hoạch; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 triển khai xây dựng đúng tiến độ, Nhà máy Sản xuất Pin Lithium hoàn thành xây dựng vào cuối năm; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vinhomes Vũng Áng hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư; KCN Bắc Thạch Hà, KCN Bắc Hồng Lĩnh và các KCN khác trên địa bàn từng bước được lấp đầy, đẩy mạnh SXKD…

Đồng thời, tiếp tục khai thác những dư địa tăng trưởng với việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; khai thác hiệu quả và phát huy tiềm năng khu vực du lịch, dịch vụ.

Các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh bấm nút khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Ảnh: PV- CTV

Quan tâm hàng đầu đến mục tiêu giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư nông nghiệp đã được chấp thuận chủ trương; chỉ đạo nhân rộng và đánh giá các mô hình, chuỗi liên kết nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; tập trung mở rộng quy mô, diện tích thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất. Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025” là nhiệm vụ trọng tâm cả nhiệm kỳ, vì vậy, hệ thống chính trị các cấp phải tập trung cao, vào cuộc quyết liệt trong năm 2023 để từng bước hoàn thành các tiêu chí.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải thăm hỏi, tặng quà và chúc tết đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê). Ảnh: Dương Chiến

Trên chặng đường mới, tỉnh hết sức quan tâm đến việc phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chủ động và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Hà Tĩnh chào đón năm Quý Mão với khí thế và nội lực mới. Các nhiệm vụ trọng tâm cho năm mới đã được hoạch định. Niềm tin và khát vọng sẽ được hiện thực hóa khi chúng ta phát huy khả năng, trí tuệ, ý chí, tinh thần đoàn kết, tận dụng tốt thuận lợi, thời cơ và vượt qua khó khăn, thử thách. Đó là sức mạnh để chúng ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, tạo đà thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Theo BHT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 134.805
    Online: 3