(Chinhphu.vn) – Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Năm 2018, với khẩu hiệu “Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm”, Việt Nam thực hiện cách tiếp cận mới trong truyền thông, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Lễ mít tinh ngày 13/11 tại trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Ngày 13/11, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ ngày 12 – 18/11” tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, với mục đích nâng cao nhận thức từ học sinh, sinh viên các trường, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các cơ sở đào tạo trong công tác chống kháng kháng sinh, Bộ Y tế tổ chức 3 sự kiện mít tinh trong Tuần lễ này tại ba trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Hải Phòng.   

Với cách tiếp cận mới này trong truyền thông, lãnh đạo Bộ Y tế hy vọng các buổi mít tinh sẽ tiếp tục lan tỏa các thông tin tới toàn thể cộng đồng trên khắp cả nước, để mọi người cùng nhau tìm hiểu, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm.

Hiện kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có những nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

 

Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Kháng kháng sinh trên toàn cầu do nhiều yếu tố khác nhau như kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức, bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình, sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại, thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp, thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.

"Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ.

Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh

- Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.

- Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa.

- Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, thực hành quan hệ tình dục an toàn và tiêm vaccin đầy đủ.

Đối với các nhân viên và cơ sở y tế:

- Đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành.

- Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc.

- Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.

- Hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn và che mũi và miệng khi hắt hơi).

Theo: Thúy Hà (chinhphu.vn)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 134.949
    Online: 11